Tôi có một hành trình của riêng mình...

Bước chân tôi đi chưa hề đơn độc vì quanh tôi có đôi vai anh, bàn tay em và ánh mắt của người...

Đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin mẹ dạy con 2 tiếng XIN VÂNG...

Trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Người Tình Nguyện Viên Lang Thang

NGƯỜI TÌNH NGUYỆN VIÊN LANG THANG


Tôi gặp em khi cùng tham gia vào một dự án nhỏ dành cho người khuyết tật cách đây 2 năm. Khi đó tôi là tình nguyện viên chuyên môn phụ trách cố vấn dự án, còn em thuộc thế hệ sinh viên năng động và xông xáo thích làm việc trực tiếp với các chủ thể và thích các hoạt động đông vui ở các khâu hậu cần cùng các bạn trẻ.

Tôi để ý em từ khi em đưa ra những giải pháp khi em đi khảo sát thực địa. Dù em chỉ nhận một khâu rất nhỏ, nhưng em khiến tôi phải chú ý bằng sự chuẩn bị chu đáo và thái độ nghiêm túc của em trong công việc. Tôi học được từ em, về những nghiệp vụ mà tôi chưa biết.

Rồi những ý tưởng, những vấn đề trong công việc cuốn chúng tôi lại với nhau, kéo chúng tôi đi từ dự án này qua dự án khác. Tôi và em trở thành hai TNV lang thang trong lĩnh vực truyền thông. Lang thang từ tổ chức này sang tổ chức khác, lang thang ở những sảnh tiệc cao cấp của các buổi hội thảo, và cả ở một góc đường xó chợ nào đó để thực hiện dự án.

Hành trình của em, công việc em làm, trăn trở của em và cả cái vẻ bụi bặm tom-boy của em làm tôi bắt gặp lại, ở đâu đó, có chính mình của nhiều năm trước. Là tuổi 22 hăm hở với những buổi chuẩn bị event thâu đêm suốt sáng thời sinh viên. Là tuổi 23 với những chuyến đi lên núi, vào rừng, ra đảo để chạm thật nhiều vào thế giới và đất nước này. Là tuổi 24 bắt đầu nhận ra rất rõ ràng những nội lực từ bên trong, những gắn bó thật chặt với trách nhiệm xã hội. Nhận ra món nợ cuộc đời thật lớn, nhưng niềm tin rất mạnh và việc “trả nợ” quá hạnh phúc.



Trong câu chuyện của em, tôi gặp lại cái cười – một chút vu vơ, một chút bận tâm – khi bạn bè xung quanh bảo rằng “Hãy đi mà tìm một việc “đàng hoàng” để làm, khi nào rảnh rỗi thì mới làm từ thiện, chơi hoài không lo sự nghiệp là không được.”

Hay một chút gì đó hờn nhẹ - một thoáng vu vơ, một chút bận tâm – khi cả đến người thân yêu nhất cũng nghĩ rằng “Lang thang vậy chắc là do chưa tìm được mình muốn cái gì, chưa biết mình là ai.”

Nhưng tất cả những điều đó không phải mối quan tâm lớn nhất của em. Đi qua n tổ chức, gặp rất nhiều người đủ để có cái nhìn lại bản thân và nhận ra rõ ràng hoạt động xã hội hay làm bất cứ điều gì cũng vậy: không phải cứ có tâm là được. “Mình muốn làm điều đó vì "hình dung" nó tốt nhưng thực tế có thể bẻ gãy mọi mơ mộng viễn vông. Bạn đang làm việc với con người nên chỉ cần sơ sẩy là một cuộc đời, một thế hệ bị tổn thương ngay.”

Có một câu chuyện điển hình nhất chúng tôi không thể quên. Em có một người bạn làm báo, viết một bài báo để giúp quyên góp cho một đứa trẻ đường phố. Một vài hệ luỵ do mạng xã hội đẩy sự việc hơi lệch sang một bên, và nhiều nhà báo khác nhau cùng góp sức kéo sự việc về nhiều phía. Còn em và tôi… xót cho đứa trẻ kia, vẫn không hiểu chuyện gì và tại sao ở nơi ăn xin thường ngày bỗng bị mọi người xua đuổi mình.

Chúng tôi đã có rất nhiều thời gian khi trò chuyện cùng nhau và cả khi suy nghĩ trong góc riêng tĩnh lặng của mình, về chuyên môn & trách nhiệm của người TNV. Chúng tôi nhận thấy có nhiều những tổn thương rất vô tình, mà một người TNV thiếu chuyên môn có thể gây ra cho những đối tượng dễ tổn thương. Em hay nói, “Thấy đó, muốn làm đó, nhưng phải học đã. Cộng đồng không làm gì có lỗi để phải hứng chịu những sai lầm ngờ nghệch của mình.”

Khi chuyển từ những công việc tiếp xúc với màn hình máy tính thay vì trực tiếp chơi với các em nhỏ, chuẩn bị các kế hoạch thay vì xách ba lô đi khắp muôn phương, công việc TNV cũng vì thế mà bớt đi màu lãng mạn. Trách nhiệm trong người TNV lớn hơn, phải suy nghĩ nhiều hơn, xã hội nhiều mảng màu sáng tối đan xen hơn. Nhưng… niềm tin tận thẳm bên trong lại lớn hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.



“Ước mơ phải gắn liền với trách nhiệm, và người tình nguyện viên học cách để làm ước mơ của xã hội thành hiện thực chứ không phải ước mơ của riêng mình.”

Lửa tình nguyện đến từ bên trong, em và tôi tự thôi thúc chính mình lên đường. Tôi đã từng có nhiều hơn một lần muốn em và tôi cứ mãi song hành như một cặp bài trùng trong các dự án của chung. Nhưng rồi cuộc sống lại kéo mỗi người rẽ sang những hành trình khác nhau.


Tháng 12/2012, khi dự án Hành Trình Vào Đời – Trung tâm Bảo Trợ Trẻ Em Khánh Hội (phía sau) vừa kết thúc, chúng tôi đã kịp hào hứng cho dự án kế tiếp. Câu chuyện hôm đó là về “5 mô hình hiệu quả truyền thông đến xã hội”.

Đêm nay, sau nửa năm gần như bặt tin, tôi gặp lại em, cũng tình cờ tại phòng họp của dự án ngày xưa. Tôi chợt nhận ra thời gian là hữu hình, nhưng mối quan hệ của chúng tôi là một mối liên kết vô hình. Kỷ niệm chưa kịp ùa về thì các ý tưởng và dự án đã nhanh chóng lấp đầy câu chuyện.

Rồi sáng mai khi thức giấc, em và tôi lại sống cuộc sống tình nguyện của mình. Ở nơi đó, tôi biết vẫn có em. Ở nơi này, em biết vẫn có tôi.

Khi là TNV, có một điều rất đáng để tin, là khi bạn hết mình làm con ong nhỏ ở đây, thì ở góc nhỏ nào đó trong cuộc đời này sẽ có một người khác đang làm con ong nhỏ cũng đang hết mình kiến tạo thế giới nơi đó.

Tôi không cô đơn, không lẻ loi, vì bên đời này tôi đã có những người bạn đường như em đồng hành: những người tình nguyện viên lang thang.

Cảm ơn cuộc đời này, vì tất cả những người bên tôi.

.:: M.T ::.